Một vài thông số cần quan tâm khi chọn đèn LED

Hiện nay, đèn LED đang ngày càng phổ biến trong mọi hệ thống chiếu sáng bởi những ưu điểm vượt trội của chúng so với các loại đèn truyền thống. Tuy nhiên việc lựa chọn đèn LED không hề đơn giản, có rất nhiều thông số đèn LED mà chúng ta cần để ý tới khi lựa chọn đèn. Vậy những thông số đèn LED nào là thông số mà chúng ta cần quan tâm? Bài viết này sẽ cho bạn câu trả lời.

1. Quang thông

Thông số đèn LED đầu tiên mà chúng ta cần chú ý đến là quang thông. Quang thông được định nghĩa là một đại lượng đo lường bức xạ phát ra từ một nguồn sáng. Nói đơn giản thì quang thông là tổng lượng ánh sáng mà đèn LED phát ra được theo mọi hướng trong 1 giây chiếu sáng. Đơn vị đo của quang thông trong hệ SI là lumen (kí hiệu là Lm).

Như vậy nếu bạn muốn sử dụng đèn cho lượng sáng lớn thì chọn đèn LED có quang thông lớn và ngược lại nếu bạn chọn đèn LED với lượng quang thông nhỏ thì đồng nghĩa với việc cần nhiều đèn mới đủ sáng.

Chiếu sáng không gian lớn sẽ cần nhiều ánh sáng nên lựa chọn đèn có quang thông lớn. Không gian hẹp, yêu cầu phát sáng vừa phải thì nên lựa chọn những đèn có quang thông vừa phải để tiết kiệm chi phí.

Tất nhiên, quang thông không thể đại diện cho mức độ tiết kiệm của một chiếc đèn LED mà bạn mua. Nó chỉ đơn thuần là thể hiện lượng sáng của chiếc đèn đó. Việc đánh giá một sản phẩm đèn LED tiết kiệm điện hay không được thể hiện qua thông số số hiệu suất chiếu sáng.

2. Hiệu suất chiếu sáng

Thông số tiếp theo mà các bạn cần chú ý khi chọn đèn LED là hiệu suất chiếu sáng. Hiệu suất chiếu sáng (Luminous Efficacy) hay còn được biết đến là hiệu suất phát quang. Là đại lượng thể hiện hiệu quả phát sáng của bóng đèn qua khả năng chuyển điện năng thành quang năng.

Hiệu suất chiếu sáng được tính bằng tỉ số giữa quang thông với công suất của đèn. Đơn vị đo là lm/W.

Đèn có hiệu suất phát sáng cao nghĩa là đèn cho quang thông lớn nhưng lại tiêu thụ ít điện năng hơn. Chỉ số hiệu suất chiếu sáng càng cao thì đèn càng tiết kiệm điện. Đây là ưu điểm lớn nhất của đèn LED so với các loại đèn truyền thống.

3. Độ rọi

Độ rọi là chỉ số độ quang thông trên một diện tích bề mặt được chiếu sáng, đơn vị đo của độ rọi là lux (Ký hiệu: lx). Thông số này của đèn LED biểu đạt mức độ ánh sáng trên bề mặt mà con người cảm nhận được là mạnh hay yếu.

Độ rọi là một đơn vị dẫn xuất, xác định bằng quang thông trên diện tích: 1 lx = 1 lm/m2

1 lux là độ rọi tương đương với thông lượng chiếu sáng 1 lumen trên một bề mặt diện tích 1 mét vuông.

Độ rọi không phải là phép đo trực tiếp năng lượng ánh sáng được phát ra mà là sự cảm nhận của mắt người. Vì vậy hệ số của độ rọi có thể thay đổi theo khoảng cách không gian, thành phần bước sóng và nhiệt độ màu của ánh sáng.

4. Chỉ số IP

Chỉ số IP (ingress protection tạm dịch là bảo vệ chống xâm nhập) là thông số thể hiện mức độ bảo vệ của vỏ đèn LED chống xâm nhập của bụi và nước.

Giải thích chỉ số IP (ingress protection)

Đây là một thông số chúng ta cần quan tâm khi lựa chọn đèn LED cũng như các thiết bị điện tử. Nếu không đạt tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ, quá trình hoạt động của sản phẩm và đôi khi là cả an toàn của người sử dụng.

Các tiêu chuẩn của chỉ số IP được ban hành bởi Ủy ban kỹ thuật điện Quốc Tế ICE (International Electrotechnical Commission). Chữ số đầu tiên trong chỉ số IP thể hiện mức độ bảo vệ sự xâm nhập của các hạt hoặc các vật thể có đường kính nhất định. Chữ số thứ hai trong chỉ số IP thể hiện mức độ bảo vệ xâm nhập của nước vào thiết bị đèn led.

Chỉ số IP không thể xác định được bằng mắt thường hoặc các biện pháp thủ công. Để xác định IP, các sản phẩm cần được thử nghiệm trong phòng nghiên cứu chuyên dụng kiểm định chất lượng. Mỗi sản phẩm khi được công bố chỉ số IP đều đã có giấy chứng nhận.

5. Góc chiếu sáng

Góc chiếu sáng là góc nằm giữa 2 mặt có cường độ sáng bằng 50% cường độ sáng mạnh nhất ở vùng sáng trung tâm. Các nguồn sáng tuy giống nhau nhưng góc chiếu khác nhau sẽ cho ra vùng sáng không giống nhau. Góc chiếu sáng càng lớn (càng tỏa), cường độ sáng ở trung tâm vùng sáng càng nhỏ và vùng sáng càng rộng. Đây là thông số quan trọng của đèn LED để lựa chọn loại đèn phù hợp cho từng loại mục đích sử dụng.

Minh họa góc chiếu sáng của đèn LED

Có 3 loại góc chiếu cơ bản, mỗi một loại góc chiếu khác nhau lại cho một hiệu ứng chiếu sáng riêng biệt, phù hợp với từng mục đích sử dụng khác nhau.

6. Chỉ số hoàn màu CRI

Chỉ số hoàn màu CRI (Color Rendering Index) là thông số phản ánh độ trung thực của màu sắc vật thể được chiếu sáng. Giá trị CRI càng cao thì màu sắc càng sống động và chân thực.

Ví dụ sự khác nhau khi thay đổi chỉ số hoàn màu CRI

Chỉ số hoàn màu CRI có thang đo từ 0 – 100, ánh sáng tự nhiên được lấy làm chuẩn. Màu sắc ánh sáng sự vật được ánh sáng chiếu đến càng giống màu tự nhiên bao nhiêu chỉ số CRI của đèn đó càng cao. Ngược lại, chỉ số hoàn màu thấp sẽ dẫn đến sự phản ánh sai lệch màu sắc của vật được chiếu sáng.

7. Nhiệt độ màu

Nhiệt độ màu là thông số đặc trưng chỉ màu sắc ánh sáng phát ra ở một nhiệt độ K nhất định. Đơn vị đo nhiệt độ màu là Kelvin, viết tắt là K. Nhiệt độ màu khác với nhiệt độ bình thường, nó mô tả màu ánh sáng một vật đen phát ra khi chúng ta nung nóng đến một nhiệt độ nhất định.

Có 3 loại nhiệt độ màu gồm ánh sáng vàng (ấm), trung tính và trắng (lạnh).

  • Ánh sáng vàng có mức màu dao động từ 1000K – 3500K.
  • Ánh sáng trung tính có mức nhiệt độ màu từ  3500K – 5300K. Màu ánh sáng gần với màu ánh sáng tự nhiên vào ban ngày.
  • Ánh sáng trắng là khoảng ánh sáng sáng nhất. Mọi vật thể được chiếu sáng sẽ được nhìn thấy rõ ràng hơn. Mức nhiệt độ màu từ 5300K trở lên.

Minh họa các màu ánh sáng

Lời kết

Trên đây là các thông số cần lưu ý khi chọn đèn LED. Hi vọng qua bài viết này, bạn có thể lựa chọn được sản phẩm chất lượng và phù hợp cho mục đích của mình. Nếu có bất cứ thắc mắc gì hãy liên hệ ngay với HKLED để nhận được những giải pháp chiếu sáng tối ưu nhất nhé!

Hotline: 0933.734.666 – 0966.734.666 – 0924.734.666 – 0786.734.666

Website:

Bình luận trên Facebook